Hộ khẩu và quyền sở hữu, quyền thừa kế nhà đất?

hộ khẩu và mối quan hệ với quyền sở hữu, quyền thừa kế nhà đất, luật sư nha trang

0
2203

Câu hỏi: 

Tôi có một người cháu dưới quê muốn nhập hộ khẩu vào gia đình tôi tại phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa để thuận tiện trong việc học cấp 3 và theo học Đại học Nha Trang cũng như đi làm sau này. Tôi băn khoăn không biết việc cho cháu tôi nhập hộ khẩu có ảnh hưởng gì đến quyền sở hữu nhà đất của tôi không? khi tôi bán nhà có cần cháu tôi ký? khi cháu tôi đã nhập hộ khẩu thì có vai trò gì trong việc định đoạt ngôi nhà? có liên quan gì đến việc chia thừa kế hay không? Gia đình tôi có phải bồi thường gì cho thành viên có tên trong hộ khẩu khi họ không đồng ý cho việc thuê, bán, thế chấp…?

Đáp: 

Theo quy định tại Điều 3 và Điều 11 Luật Cư trú năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú 2013, công dân có quyền, đồng thời cũng là nghĩa vụ đăng ký thường trú (hộ khẩu) hoặc tạm trú tại một địa điểm nhất định để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc quản lý nhà nước về cư trú. Trong luật này cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định nào về việc công dân đăng ký hộ khẩu ở địa chỉ nào thì được sở hữu nhà đất ở địa chỉ đó. Do vậy, việc đăng ký hộ khẩu là nhằm mục đích xác định nơi cư trú của công dân chứ không phải là căn cứ xác định quyền sở hữu tài sản tại địa điểm đăng ký hộ khẩu.

Việc gia đình anh/chị đồng ý cho cháu nhập hộ khẩu không làm phát sinh quyền sở hữu tài sản của cháu đối với nhà và đất tại nơi đăng ký hộ khẩu. Trường hợp khi gia đình anh/chị bán, cho thuê, thế chấp nhà đất thì cũng không cần phải có sự đồng ý của cháu. Khi ký kết hợp đồng mua bán, cho thuê, thế chấp … cũng không cần người cháu tham gia mà chỉ cần các đồng sở hữu đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà tham gia quyết định.

Trường hợp nếu người cháu của anh/chị trong quá trình sinh sống chung có tham gia đóng góp vào việc sửa chữa, cải tạo nhà (có thỏa thuận) thì khi các đồng sở hữu thực hiện các quyền của chủ sở hữu như cho thuê, thế chấp, chuyển nhượng… phải thanh toán cho người cháu khoàn tiền mà người cháu đã bỏ ra (nếu người cháu yêu cầu). Ngoài khoản tiền này, các đồng sở hữu không phải bồi thường hay có trách nhiệm gì đối với người cháu. Việc lo chỗ ở mới cho cháu sau khi bán nhà là trách nhiệm của cha mẹ cháu (nếu cháu dưới 18 tuổi hoặc mất năng lực hành vi dân sự) và bản thân cháu (nếu trên 18 tuổi) chứ không phải là trách nhiệm của các đồng sở hữu, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.

Luật sư Nha Trang

Công ty Luật TNHH Vũ Như Hảo & Cộng sự