VIÊN CHỨC (NLĐ) KHÔNG ĐƯỢC TRẢ TRỢ CẤP THÔI VIỆC KHI XIN NGHỈ VIỆC ĐÚNG PHÁP LUẬT GIẢI QUYẾT THẾ NÀO?

0
1667

Da-Tra-Du-Tro-Cap-Th

Hiện nay, tình trạng Người sử dụng lao động gây khó khăn trong việc chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động là việc không còn xa lạ. Vậy người lao động phải làm thể nào để đòi lại tiền trợ cấp thôi việc đáng ra mình được hưởng? Giải pháp hiệu quả và có thể là lựa chọn tốt nhất cho Người lao động là: KHỞI KIỆN. Vụ án dưới đây là một điển hình. Chúng tôi tin rằng kết quả của vụ án sẽ giúp Người lao động vững tin đi tìm công lý.

I. TÓM TẮT VỤ ÁN

Ngày 03 tháng 08 năm 2018 tại Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã xét xử sơ thẩm một vụ án Lao động với các thành phần sau:

Nguyên đơn: Ông Trần Dũng

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Dũng: Luật sư Thạc sĩ: Vũ Như Hảo – Công ty TNHH Vũ Như Hảo và Cộng sự – Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa. 

Bị đơn: Trường Đại học Khánh Hòa

Theo đơn khởi kiện đề ngày 22/09/2017 của nguyên đơn – ông Trần Dũng kiện Trường Đại học Khánh Hòa với nội dung sau:

Yêu cầu Tòa án giải quyết, buộc Trường Đại học Khánh Hòa phải:

  1. Bồi thường kinh phí đào tạo mà ông Dũng đã thanh toán cho nhà trường với số tiền 60.917.847 đồng;
  2. Giải quyết trợ cấp thôi việc cho ông Dũng theo quy định của pháp luật.

Về phía bị đơn Trường Đại học Khánh Hòa không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Trần Dũng với lý do trước khi nghỉ việc ông Dũng đã viết “Bản cam kết” ngày 22/09/2016 với nội dung “Nếu nhà trường đồng ý việc giải quyết việc chuyển công tác cho tôi trước ngày 01/10/2016, tôi xin cam kết sẽ bồi hoàn chi phí đào tạo cho nhà trường và sẽ không khiếu nại về sau.”

II. QUÁ TRÌNH GIẢI QUYẾT VỤ ÁN

Đối với yêu cầu của nguyên đơn, Luật sư đã tìm ra các quy định của pháp luật cũng như các chứng cứ liên quan để chứng minh yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ.

Thứ nhất, việc Trường đại học Khánh Hòa yêu cầu ông Trần Dũng bồi thường kinh phí đào tạo trong giai đoạn ông Dũng đi học Tiến sỹ Nhân học từ tháng 5/2012 đến tháng 5/2015 số tiền 60.917.847 đồng là không có căn cứ pháp luật.

Cụ thể, Nhà trường đã không xem xét đến lý do ông Dũng chấm dứt hợp đồng làm việc với Nhà trường là do thuyên chuyển công tác. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 Thông tư số 15/2012/TT-BNV có quy định về các trường hợp viên chức không phải đền bù chi phí đào tạo như sau:

Điều 16. Đền bù chi phí đào tạo

1. Viên chức được cử đi đào tạo ở trong nước và ngoài nước phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định tại Khoản 4 Điều 36 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP.

2. Các trường hợp viên chức không phải đền bù chi phí đào tạo:

a) Viên chức không hoàn thành khóa học do ốm đau phải điều trị, có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền;

b) Viên chức chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết phải thuyên chuyển công tác được cơ quan có thẩm quyền đồng ý;”

Ngoài ra, việc xin chuyển công tác của ông Trần Dũng đã được cơ quan tổ chức nơi tiếp nhận ông vào làm việc đồng ý, căn cứ vào Công văn số 132/ĐHTDM-TC ngày 23/3/2016 của Trường đại học Thủ Dầu Một về việc tiếp nhận viên chức  và Công văn số 584/SNV-CCVC ngày 9/5/2016 về việc tiếp nhận viên chức của Sở nội vụ tỉnh Bình Dương. Và công văn của Sở nội vụ tỉnh Khánh Hòa số 2076/SNV-CCVC và Công văn số 674/VP-UBND-KH về việc giải quyết đơn xin chuyển công tác của ông Dũng thì nhà trường mới đồng ý để cho ông Dũng được chuyển công tác. Ngày 30/09/2016 Trường đại học Khánh Hòa đã ban hành quyết định về việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông Trần Dũng với lý do: chuyển công tác. Tóm lại việc thuyên chuyển công tác đến một đơn vị mớiviệc ông Dũng chuyển công tác đã được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền.  Đối với trường hợp thuyên chuyển công tác đã có sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền thì ông Dũng sẽ không phải bồi thường chi phí đào tạo.

Trường Đại học Khánh Hòa đã dựa vào việc ông Dũng viết bản cam kết mà buộc ông Dũng bồi thường chi phí đào tạo cho Nhà trường. Tại buổi làm việc, nhà trường đưa ra 2 phương án giải quyết yêu cầu của ông: hoặc là ông Dũng phải tiếp tục làm việc tại nhà trường, hoặc là ông Dũng phải đền bù chi phí đào tại Thạc sỹ, Tiến sỹ thì nhà trường mới giải quyết cho ông được chấm dứt Hợp đồng làm việc. Nếu ông Dũng không hợp tác thì sẽ bị xử lý kỷ luật, vì vậy ông Dũng đã buộc phải chọn phương án đền bù chi phí đào tạo lại cho nhà trường. Bản cam kết này ông Dũng không còn sự lựa chọn nào khác nên mới ký – chứng tỏ ông Dũng không tự nguyện trong giao dịch này. Sự không tự nguyện của ông Dũng theo quy định tại Điều 177 Bộ luật Dân sự thì một trong những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự là “Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện”.

Như vậy, Bản cam kết không có hiệu lực và yêu cầu của ông Dũng là có căn cứ pháp luật. Trường Đại học Khánh Hòa biết rõ không thể thu hồi được chi phí đào nên đã ép ông Dũng ký vào bản cam kết làm cơ sở để yêu cầu ông Dũng bồi thường chi phí đào tạo. Người lao động ở đây là viên chức không còn sự lựa chọn nào khác nên mới phải ký và bồi thường số tiền trên mà đáng lý ra mình không phải bồi thường. Cách làm của Trường Đại học Khánh Hòa tưởng chừng như không có sai sót và có thể thu hồi chi phí đào tạo đã bỏ ra.

 Thứ hai, về vấn đề Trường Đại học Khánh Hòa không giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho ông Trần Dũng:

Căn cứ theo Điều 45 Luật Viên chức 2010 thì:

“Điều 45. Chế độ thôi việc

1. Khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Viên chức không được hưởng trợ cấp thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Bị buộc thôi việc;

b) Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà vi phạm quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 29 của Luật này;

c) Chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 5 Điều 28 của Luật này.”

Ngoài ra, tại khoản 4 Điều 28 Luật Viên chức 2010 quy định “Khi viên chức chuyển công tác đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thì chấm dứt hợp đồng làm việc và được giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Và căn cứ theo quy định tại Điều 39 của Nghị định số 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định về chế độ trợ cấp thôi việc. Như vậy, với trường hợp của ông Dũng thì ông Dũng sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc. Trong trường hợp này Trường Đại học Khánh Hòa (Đơn vị sự nghiệp công lập) là chủ thể trực tiếp chi trả trợ cấp thôi việc cho ông Dũng. Tuy nhiên, Trường Đại học Khánh Hòa đã cố tình không trả trợ cấp thôi việc cho ông Dũng việc làm này xâm phạm đến quyền lợi trực tiếp của người lao động (viên chức) – ông Dũng.

III. TẠI PHIÊN TÒA

Vào ngày xét xử sơ thẩm 03/08/2018, sau khi kết thúc phần hỏi đáp, bước qua phần tranh luận, sau khi nghe Luật sư Vũ Như Hảo – người bảo vệ quyền lợi của Nguyên đơn trình bày, Trường Đại Học Khánh Hòa nhận thấy việc không trả trợ cấp thôi việc cho ông Dũng là không có căn cứ. Do đó, khi chưa kết thúc phần tranh luận hai bên đã có những động thái hoàn toàn bất ngờ. Đó là hòa giải thành. Theo đó, Trường Đại Học Khánh Hòa đồng ý trả trợ cấp thôi việc, ông Dũng rút lại yêu cầu bồi hoàn chi phí đào tạo với lý do thực tế đây là tiền Nhà trường bỏ ra đào tạo nên ông cũng không muốn lấy mặc dù có thể yêu cầu. Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang đã ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Với nội dung chính sau:

  1. Trường Đại học Khánh Hòa có trách nhiệm thanh toán cho ông Trần Dũng số tiền trợ cấp thôi việc là: 39.479.275 đồng;
  2. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của ông Trần Dũng về việc buộc Trường Đại học Khánh Hòa phải bồi hoàn lại số tiền: 60.917.847 đồng.

BÀI HỌC TỪ VỤ ÁN

Với những ai theo dõi phiên tòa thì kết quả “hòa giải thành” là một cái kết bất ngờ. Tuy nhiên, đứng ở góc độ luật sư thì kết quả này không phải là bất ngờ mặc dù trước đó hai bên có những tranh luận “nảy lửa” bởi ai cũng cho mình đúng. Tuy nhiên, với những lập luận vô cùng sắc bén, có căn cứ pháp luật rõ ràng, Luật sư đã “thuyết phục” đại diện Trường Đại học Khánh Hòa hiểu đúng vấn đề. Mấu chốt ở đây là chính bị đơn – Trường ĐH Khánh Hòa đã nhận thức không đúng các quy định pháp luật (áp dụng các quy định của BLLĐ và các văn bản hướng dẫn BLLĐ trong khi ông Dũng là Viên chức không phải là đối tượng áp dụng của những quy phạm pháp luật này). Vì vậy, khi hiểu được vấn đề thông qua luận cứ của Luật sư, Trường ĐH Khánh Hòa đã thấy được việc không trả trợ cấp thôi việc cho nguyên đơn – ông Dũng là vi phạm pháp luật. 

Qua vụ án trên, bài học rút ra là: Kiện không chỉ là giải pháp mà kiện còn là “diễn đàn” để các bên đối thoại và tìm ra tiếng nói chung. Người lao động đạt được yêu cầu, danh dự không bị xâm phạm. Người Sừ dụng lao động hiểu thêm về pháp luật để vận dụng đúng trong điều hành. 

 Tác giả: Kim Chi